Hiện chưa có sản phẩm
TỔNG TIỀN: 0₫
Xem giỏ hàng Thanh toán

Doanh nghiệp vững vàng sau đại dịch

Ngày: 13/10/2022 lúc 14:16PM

Vượt qua những khó khăn, thách thức sau hai năm ảnh hưởng dịch Covid-19, doanh nghiệp đã từng bước phục hồi không chỉ trong sản xuất mà còn góp phần vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Công ty Meet More có thêm nhiều sản phẩm mới, thị trường mới sau dịch.

 

Giới thiệu sản phẩm mới là nước trái cây giải nhiệt từ các loại nông sản như nha đam, chanh dây, mật ong… nhà sáng lập thương hiệu cà-phê nông sản Meet More Nguyễn Ngọc Luận vui mừng cho biết: "Chúng tôi đang dần phục hồi sau dịch ở cả thị trường xuất khẩu lẫn nội địa. Công ty ký kết thêm đơn hàng với nhiều thị trường mới, ra mắt sản phẩm mới. Đây là những tín hiệu rất lạc quan để Meet More từng bước chinh phục những mục tiêu, kế hoạch còn dang dở do ảnh hưởng dịch Covid-19 trong hai năm qua". Tái phục hồi sau dịch Covid-19, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh, ông Đỗ Phước Tống cho biết: Các đối tác mua hàng đang tăng dần sản lượng sản xuất tại Việt Nam. Đặc biệt, trong năm 2022, một đối tác chủ lực tăng sản lượng sản phẩm lên gấp ba lần so với trước khi xảy ra dịch Covid-19. Đơn vị này đang đẩy nhanh tiến độ xây lắp nhà máy sản xuất linh kiện cơ khí chính xác ở Khu công nghệ cao thành phố Thủ Đức để đưa vào hoạt động trong quý IV/2022. Sản phẩm của nhà máy này chủ yếu được xuất khẩu tại chỗ, thay thế loại hàng mà lâu nay các đối tác phải nhập khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… Đại diện doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh (FFA), Chủ tịch Hội FFA Lý Kim Chi thông tin, 8 tháng đầu năm nay, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành tăng 26,87% so với cùng kỳ năm 2021. "Hiện Việt Nam đã xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản, thực phẩm chế biến đến hơn 190 quốc gia, vùng lãnh thổ và là đối tác thương mại lớn của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Đây là cơ hội lớn để Việt Nam tăng cường mở rộng giao thương, hợp tác với những khách hàng lớn với các yêu cầu tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao nhất, góp phần nâng cao được chất lượng sản phẩm trong nước", bà Chi nhìn nhận.

 

Nhận định trong quý IV/2022, Cục trưởng Thống kê Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Khắc Hoàng cho rằng, một số ngành như ngành nông nghiệp, công nghiệp chế biến, dịch vụ thương mại, bán lẻ hàng hóa tiếp tục có bước tăng trưởng ổn định. Riêng ngành nông nghiệp thực hiện nhiệm vụ với mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, hiệu quả, bền vững gắn với phát triển du lịch mang nét đặc trưng riêng của thành phố hứa hẹn có bước tăng trưởng rất cao. "Ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã dần được khắc phục, giá xăng, dầu qua nhiều đợt điều chỉnh giảm, kéo theo giá các mặt hàng thức ăn chăn nuôi, phân bón, giá lợn giống giảm dần và ổn định giúp cho ngành chăn nuôi có xu hướng khởi sắc trở lại. Theo dự báo, trong quý IV các ngành khai khoáng; công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và phân phối điện; cung cấp nước và xử lý rác thải cũng tiếp tục có mức tăng cao...", ông Hoàng cho biết.

 

Doanh nghiệp phục hồi có nhiều tín hiệu tích cực; tuy nhiên, trong khảo sát gần đây của Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố (HUBA) cho thấy, có đến 31% doanh nghiệp hiện bị thu hẹp thị trường; 51% doanh nghiệp gặp khó khăn giá nguyên liệu đầu vào tăng, trong đó thiếu vốn kinh doanh chiếm 31%, thiếu mặt bằng sản xuất, kinh doanh chiếm 14%... Và khó khăn lớn nhất của đa số các doanh nghiệp là tìm kiếm nguồn nhân lực phù hợp. Phó Chủ tịch Thường trực HUBA Phạm Ngọc Hưng cho biết: Trong thời gian tới, HUBA sẽ tập trung kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp hội viên tiếp cận các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, thành phố để phục hồi sản xuất; đồng thời, tiếp tục báo cáo, phản ánh kịp thời kết quả doanh nghiệp tiếp cận các chương trình trên, đặc biệt là những vấn đề vướng mắc để lãnh đạo thành phố xem xét giải quyết kịp thời. Cùng với đó, Hiệp hội tiếp tục kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện các chương trình đã và đang triển khai bảo đảm chất lượng, tiến độ thời gian theo kế hoạch đã đề ra; xây dựng kế hoạch, biện pháp cụ thể đẩy mạnh công tác kết nối; tăng cường tuyên truyền, vận động, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện tốt chương trình chuyển đổi số… Đối với vấn đề khó khăn về nguồn nhân lực, lãnh đạo HUBA cũng kiến nghị sửa đổi, ban hành các chính sách với nhiều lợi ích cụ thể, hữu hiệu cho doanh nghiệp, như tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội, công đoàn… hay việc cho vay mua nhà ở áp dụng cho công nhân. Bên cạnh đó, HUBA cũng đề nghị thành phố quan tâm kịp thời xét duyệt các đề án xây dựng nhà ở xã hội, khu nhà ở công nhân để người lao động yên tâm về chỗ ăn nghỉ; vận dụng các quỹ tài chính của thành phố để cho người lao động vay mua xe, mua nhà… với lãi suất thấp.

 

Nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS Lê Đăng Doanh nhìn nhận: Kinh tế Việt Nam 2022 đang tiếp tục phục hồi với những triển vọng tích cực, nhưng những rủi ro thách thức mới cũng xuất hiện. Doanh nghiệp cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng vượt qua thách thức, để có thể trụ vững và hoạch định chiến lược phát triển sản xuất, kinh doanh của mình. "Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 52 nền kinh tế, mở ra cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam; các doanh nghiệp cần phải phối hợp với các cơ quan nghiên cứu để xác định rõ xu hướng thị trường, tìm thấy các cơ hội mới để phát triển doanh nghiệp. Khi có cơ hội phải tranh thủ tận dụng, vì các nước khác cũng đang cạnh tranh với các sản phẩm của Việt Nam", TS Lê Đăng Doanh lưu ý.

 
 
Meet More
BÌNH LUẬN