Hiện chưa có sản phẩm
TỔNG TIỀN: 0₫
Xem giỏ hàng Thanh toán

NGƯỜI KẾT NỐI NÔNG SẢN VIỆT SANG ÚC – MEET MORE COFFEE

Ngày: 18/05/2022 lúc 13:58PM

CEO Meet More Nguyễn Ngọc Luận: Đau đáu vì thương hiệu Việt bị “mượn danh”

Trích từ báo Biz Live – Phóng viên Hạ An

Chỉ trong 4 tháng, 26 container nông sản Việt Nam đã sang Australia vào đúng giai đoạn cao điểm của Covid-19, khi tình hình phân phối hàng hoá rất chậm và doanh nghiệp lâm vào giai đoạn khó khăn, cần thị trường mới…

Đó là kết quả bước đầu, khi ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO của Meet More – thương hiệu cà phê trái cây, bị mắc kẹt tại Australia trong 8 tháng do dịch Covid-19.

Quãng thời gian đó, ông Luận tranh thủ thời gian và nhanh chóng tìm hiểu, kết nối cho 15 doanh nghiệp nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.

Trao đổi với BizLIVE, điều mà CEO của Meet More còn đau đáu là thương hiệu Việt vẫn còn bị “mượn danh” ở nhiều sản phẩm đặc trưng tại đây.

Thưa ông, 2020 được coi là một năm khủng hoảng xuất phát từ những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Ông có thể cho biết cá nhân mình đang trải qua một môi trường kinh doanh khác biệt của năm nay như thế nào, so với những năm trước đây?

Năm 2020 ai cũng biết là một năm vô cùng khốc liệt và thêm một điểm là chúng ta không có kịch bản nào trước trong việc kinh doanh. Đây là giai đoạn khó khăn chung không những cho bản thân tôi, hay những doanh nghiệp Việt Nam mà còn quy mô trên toàn cầu.

Cá nhân tôi đánh giá mặc dù toàn thế giới khó khăn chung nhưng nếu tìm ra cách giải quyết chúng ta có thể vượt qua, bằng những kế hoạch riêng của mỗi doanh nghiệp.

Nhưng có thực tế là đại dịch làm đứt gãy, giãn đoạn nhiều kênh giao thương, cung – cầu, nhất là những thời điểm, những thị trường thực hiện giãn cách xã hội… Vậy nên vẫn có cách nói rằng, năm 2020 mọi người trở nên “sống chậm” hơn…

Với mỗi một doanh nghiệp, chúng tôi luôn luôn phải vận động, phải dịch chuyển. Kể cả khi không có dịch thì cũng có những thời điểm phải “chậm lại” để lấy sức cho những kế hoạch tiếp theo.

Đối với năm 2020, đa phần các doanh nghiệp rơi vào tình trạng dừng hoặc tạm dừng chứ không còn sống chậm nữa. Do đó, đây là dịp để họ tái cơ cấu lại doanh nghiệp của mình.

Trước đây chúng ta có thể đầu tư hoặc làm rất nhiều dự án, nhưng bây giờ do tình hình chung bị ảnh hưởng, các doanh nghiệp có thể tạm dừng lại toàn bộ các kế hoạch đã chuẩn bị từ trước để xây dựng lại quy trình, cơ cấu doanh nghiệp của mình.

Meet More cũng vậy, chúng tôi cũng bắt buộc phải sống chậm nhưng không có nghĩa hoàn toàn chậm hẳn mà chỉ lui lại. Riêng với ngành nông nghiệp, Covid-19 là một thách thức nhưng cũng là cơ hội để chúng ta nhìn lại mình.

 Thương hiệu cà phê Meet More có mặt tại Lễ kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam

Như ông nói ở trên, tìm cách để vượt qua, mỗi doanh nghiệp có kế hoạch riêng. Với Meet More thì sao? Quan điểm chế biến sâu sẽ mang lại giá trị gia tăng lớn hơn nhiều so với xuất khẩu nguyên liệu thô, nhưng làm thì vẫn còn rất khó, bối cảnh Covid-19 và trở ngại ở các thị trường sẽ càng thêm khó, thưa ông?

Quan điểm này rất chính xác. Chế biến sâu giúp nâng cao giá trị sản phẩm nhất là nông sản. Đây cũng là “chìa khoá” quan trọng để nông sản Việt có cơ hội vươn ra thị trường thế giới. Câu chuyện này đã được nói đi nói lại rất nhiều lần nhưng trong dịp Covid-19 này chúng ta lại phải nhắc lại một lần nữa.

Khi dịch Covid-19 bất ngờ ập tới đã cho thấy bức tranh thực nhất về nông nghiệp Việt Nam. Vì sao, bởi trước đây chúng ta không hề chú trọng đến chế biến sâu. Quá trình này đòi hỏi lãnh đạo doanh nghiệp cần phải hiểu, phải có tâm và thực sự kiên quyết để làm ra những sản phẩm mang lại giá trị gia tăng cao, xuất khẩu đi nhiều thị trường trên thế giới.

Trước đây, nông sản Việt hầu hết tập trung vào một thị trường – đó là Trung Quốc. Thị trường này rất dễ tính và cũng không yêu cầu những sản phẩm chất lượng cao hay chế biến sâu. Vì vậy, trong một thời gian dài, gần như các doanh nghiệp nông sản vì sự sống còn của mình nên cứ lao theo. Kết quả là không quá quan tâm đến việc tự nâng cấp mình và bỏ qua các thị trường tiềm năng khác như: Châu Âu, Mỹ hay Australia.

Tuy nhiên, chính sự phụ thuộc vào duy nhất một thị trường khiến khi xảy ra dịch bệnh Covid-19 mà nơi đầu tiên xuất hiện là Trung Quốc, lập tức các doanh nghiệp này bị rơi vào tình trạng tê liệt.

Covid-19 như một “gáo nước lạnh” tạt thẳng vào các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản theo kiểu lối mòn. Đây cũng là dịp để chúng ta nhìn lại chuỗi cung ứng trên toàn cầu về chất lượng, sản phẩm, giá cả cũng như cách làm việc của các doanh nghiệp.

Bài học từ đợt vừa qua cho thấy các doanh nghiệp cần xem xét và có kế hoạch đầu tư bài bản hướng tới chế biến sâu cũng như đa dạng thị trường xuất khẩu.

Trong dịch Covid-19, gần như những doanh nghiệp chế biến sâu như Meet More không bị ảnh hưởng, thậm chí chúng tôi còn tăng được đơn hàng do những nhà cung cấp khác gặp khó vì dịch bệnh.

Ông Nguyễn Ngọc Luận: “Trong dịch Covid-19, gần như những doanh nghiệp chế biến sâu như Meet More không bị ảnh hưởng, thậm chí chúng tôi còn tăng được đơn hàng do những nhà cung cấp khác gặp khó vì dịch bệnh”.

Được biết, một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của MeetMore là Australia. Ông có thể chia sẻ về kinh nghiệm tiếp cận thị trường này và những bước đi hiện nay?

Australia là một thị trường cực kỳ tiềm năng mà hiện nay toàn bộ nông sản của các nước trong khu vực như: Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan gần như đều có mặt, trong khi nông sản Việt rất hiếm hoi.

Bởi lẽ, nông sản Việt Nam hiện vẫn đi đường vòng, hầu hết bị thu mua bởi các doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan sau đó được chế biến sâu và xuất khẩu sang thị Australia chứ có rất ít sản phẩm xuất khẩu được chính ngạch.

Điều này vô hình chung đã kiến thương hiệu nông sản Việt Nam không được biết đến rộng rãi trên toàn cầu, thua kém hơn rất nhiều so với các thương hiệu của Trung Quốc và Thái Lan.

Dòng chữ “Made in China” trên gói Phở Việt là hình ảnh làm chúng tôi đau đáu. Tình trạng này cũng xảy ra khi doanh nghiệp Thái Lan “mượn danh” các thương gạo nổi tiếng của Việt Nam hay xuất khẩu nước mắm Phú Quốc.

CEO Meet More – Nguyễn Ngọc Luận

Phở, ai cũng biết đây là một món ăn đặc trưng của Việt Nam nhưng khi đi khảo sát tại các hệ thống phân phối lớn ở Australia, điều làm chúng tôi rất ngạc nhiên là sản phẩm này lại được các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất.

Nguyên nhân sâu xa theo tôi là do các doanh nghiệp Việt chưa sẵn sàng cho cuộc chơi mới.

Đó là cuộc chơi toàn cầu, trong đó việc xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu của mình là một yếu tố sống còn.

Ngoài ra, các tiêu chuẩn, quy định để xuất khẩu sang thị trường khó tính như Australia, tôi tin rằng nhiều doanh nghiệp còn chưa nắm rõ. Ngay kể cả khi sản phẩm của MeetMore đã xuất khẩu sang Mỹ, Hàn Quốc thì đến khi xuất khẩu vào Australia vẫn gặp rào cản.

Như bao bì của sản phẩm, thị trường Australia yêu cầu công bố chi tiết thành phần của sản phẩm và đã công bố là phải đúng, chứ không thể sai lệch vì cơ quan chức năng của nước sở tại sẽ tiến hành kiểm tra.

Như vậy, các doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường này cần chuẩn hoá toàn bộ bộ nhận diện thương hiệu cũng như bao bì, không phải thích đưa hình ảnh, thông tin gì lên thì đưa.

Thứ hai là Australia có một bộ tiêu chuẩn riêng dành cho nông sản, mà nhiều doanh nghiệp không hề biết. Trong 8 tháng bị mắc kẹt tại Australia do dịch Covid-19, chúng tôi đã đi một loạt toàn bộ từ Sydney cho đến Melbourne, thâm nhập được vào các chuỗi cung ứng của họ sau đó biên soạn một bộ tài liệu các điều kiện để được nhập khẩu hàng hoá vào thị trường Australia. Tài liệu này không chỉ riêng về thực phẩm, nông sản mà bao gồm nhiều mặt hàng khác.

Không phải quốc gia nào cũng sử dụng quy định chung theo toàn cầu mà nhiều quốc gia họ có bộ quy tắc riêng. Ngoài ra, diễn biến của dịch Covid-19 cũng khiến các quy định về xuất nhập khẩu cũng có sự thay đổi chóng mặt, đòi hỏi phải cập nhật thường xuyên.

Vui mừng rằng, trong giai đoạn dịch Covid-19 vừa qua, khi đi tìm hiểu và mở thị trường cho Meet More Coffee, tôi đã gặp gỡ các hệ thống phân phối lớn tại Australia và kết nối được cho 15 doanh nghiệp để xuất khẩu hàng sang thị trường này với những nông sản như: bánh tráng, miến làm từ thanh long, phở hay bún.

Kết quả là chỉ trong 4 tháng, tôi đã kết nối để xuất khẩu được 26 container hàng hoá sang Australia vào đúng giai đoạn cao điểm của Covid-19 khi tình hình phân phối hàng hoá rất chậm và doanh nghiệp lâm vào giai đoạn khó khăn, cần thị trường mới.

Trong câu chuyện trên, có thể nói nhanh nhạy và tranh thủ bối cảnh để nắm bắt thị trường, mở lối trong khó khăn như là “bản năng” của một doanh nhân vậy. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, ông có thể chia sẻ về những yếu tố định hình nên “bản năng” đó không?

Với thế hệ doanh nhân 7x, chúng tôi có được hai yếu tố: thứ nhất là kinh nghiệm từ các đàn anh đi trước và thứ hai là được tiếp cận gần hơn với thế giới công nghệ hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong một thế giới phẳng, việc không tiếp cận được công nghệ là một thiệt thòi.

Nhìn vào năm 2020 – năm Covid-19 có thể thấy rất rõ những doanh nghiệp chống chọi và vượt qua được khó khăn này sẽ phát triển tiếp, còn những doanh nghiệp không ứng biến, thích nghi được sẽ “rơi rụng”.

Như vậy, yếu tố thích nghi cũng là một ưu thế của những doanh nghiệp biết “trẻ hoá” biết áp dụng công nghệ vào quá trình sản xuất, quản trị doanh nghiệp hay tìm kiếm thị trường.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ này.

Meet More
BÌNH LUẬN