Cà phê nông sản thương hiệu Việt đã có mặt ở thị trường châu Âu
Ngày: 10/08/2022 lúc 16:41PM
Ông Nguyễn Ngọc Luận – Người sáng lập và Điều hành Meet More Coffee
Meet More Coffee vừa xuất khẩu thành công hai container cà phê nông sản sang thị trường EU.
Trước đó, cà phê Meet More cũng đã xuất khẩu sang Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ... với tốc độ tăng trưởng ấn tượng từ 20%-30%/năm. Đây là con số tăng trưởng mơ ước của các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu, nhất là khi gắn được với thương hiệu riêng của sản phẩm.
Có được thành công này, người đứng đầu Meet More Coffee đã trải qua một hành trình đầy khó khăn, thách thức lòng đam mê, tính kiên trì cũng như khao khát đưa Meet More ra thị trường toàn cầu.
Vượt qua thói quen của sự chấp nhận
Cà phê nông sản nghe quen mà lạ. Quen vì đó là cà phê, lạ bởi có tên cà phê nông sản.
Cà phê nông sản Meet More đã lên kệ một số siêu thị bán sỉ tại Châu Âu như Đức, Cộng hòa Séc và Meet More sẽ ra mắt tại Pháp vào tháng 10/2022, gồm 5 loại cà phê: Dừa, khoai môn, đậu xanh, bạc hà và trái nhàu.
Trước khi vào châu Âu, Meet More cũng đã có mặt ở thị trường Mỹ, Nga, Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ, và đang xuất khẩu rất tốt vào thị trường Úc.
Chia sẻ về việc vừa xuất khẩu thành công hai container cà phê nông sản sang thị trường EU bằng chính thương hiệu Meet More, ông Nguyễn Ngọc Luận – Nhà sáng lập và Điều hành Meet More Coffee cho biết, cà phê nông sản là kết quả của sự phối trộn khéo léo giữa cà phê và nông sản đạt tỷ lệ phù hợp với gu thưởng thức cà phê của khách hàng châu Âu cũng như các nước trên thế giới.
Khi đàm phán với đối tác đưa cà phê Meet More sang EU cũng là lúc châu Âu tắc nghẽn chuỗi cung ứng, một số thức uống ở các nước bị thiếu hụt nên họ muốn thay thế dòng thức uống mới. Nhờ thể hiện đúng bản chất nông sản Việt nên Meet More được đối tác châu Âu đánh giá cao. Tuy vậy, khi đàm phán họ vẫn yêu cầu xuất khẩu bằng hình thức gia công và sản phẩm mang thương hiệu của họ.
“Đó là thói quen của đối tác châu Âu khi đàm phán với doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không tỉnh táo hoặc muốn bán cho được hàng doanh nghiệp dễ dàng chấp nhận, nhưng với Meet More tôi quyết tâm giữ vững thương hiệu. Bởi đây là dòng sản phẩm được làm ra từ những nguyên liệu nông sản tốt của Việt Nam, và trên thị trường thế giới chưa có nên không bị lẫn với bất cứ sản phẩm khác.
Sau 6 tháng kiên trì đàm phán đối tác đã đồng ý nhập những đơn hàng đầu tiên, may mắn thời đó điểm đó Hiệp định EVFTA vừa được thông qua nên những đơn hàng sau được hưởng ưu đãi thuế quan.
Đầu năm 2022, công ty đã xuất hai container 40 feet sang châu Âu; từ nay đến cuối năm sẽ xuất thêm khoảng 20 container 40 feet. Giá bán cà phê nông sản cao hơn các loại cà phê bình thường từ 10 đến 15%" ông Luận cho biết.
MỖI NĂM VIỆT NAM THU 3 TỶ USD, STARBUCKS THU 10 TỶ USD
5 năm trước các doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam mua nông sản để pha chế đồ uống và ông Luận có dịp đi cùng họ. Khi đó có nhiều loại nông sản bà con bán không được chất đầy ra đường, như thanh long Bình Thuận chỉ 2.000 đồng/kg, thậm chí bỏ cho bò ăn.
Thấy vậy các bạn Hàn Quốc nói: Việt Nam có nguồn nông sản dồi dào mà sao không sử dụng chế biến những sản phẩm có chất lượng phục vụ người tiêu dùng. Trong khi chỉ là nước gạo thôi mà người Hàn Quốc cũng làm ra thức uống ngon mang thương hiệu quốc gia và xuất đi nhiều nước trên thế giới.
Đó cũng là lúc ông bắt đầu cho những trăn trở “phải làm gì” để biến nông sản Việt thành những sản phẩm có giá trị phục vụ người tiêu dùng, và điệp khúc giải cứu nông sản không còn xảy ra?
Việt Nam - nước xuất khẩu cà phê lớn thứ hai trên thế giới, nhưng chỉ xuất khẩu cà phê nhân hoặc cà phê rang xay Arabica và Robusta hoặc phê hòa tan 3 trong 1, với kim ngạch khoảng 3 tỷ USD/năm, và chưa tạo ra được sản phẩm nào hay một thương hiệu cà phê nào thực sự nổi tiếng trên thế giới mang lại giá trị cao.
Trong khi, Ý là nước không trồng được cà phê nhưng có những loại cà phê nổi tiếng trên thế giới như expresso, capuchino,... và thương hiệu cà phê Starbucks mỗi năm thu về 10 tỷ USD. Đến nay chưa có nghiên cứu nào chứng minh có một loại cà phê tốt hơn cà phê Starbucks, bởi đây là loại cà phê rất nhẹ nhàng để uống.
Với mong muốn thay đổi thói quen uống cà phê đắng, đậm và đặc của người Việt, ông Luận đã chọn cà phê nông sản để khởi nghiệp, bằng cách phối hợp nông sản mà Việt Nam có thế mạnh như dừa, đậu xanh, khoai môn, xoài, cà phê, mít, bơ... với cà phê để cho ra loại nước uống mới.
Kỷ niệm mang “chuông đi đánh xứ người”
Ông Luận chia sẻ: "Tôi mất hai năm nghiên cứu để ra sản phẩm cà phê nông sản và mời người tiêu dùng trong nước thử trước. Nhưng do quen với gu cà phê đắng, đậm và đặc nên khi tiếp xúc với dòng cà phê này họ không chấp nhận.
Bị người tiêu dùng trong nước từ chối cùng với áp lực rất lớn từ gia đình, bạn bè… vì họ cho rằng tôi chọn hướng đi không đúng, vì hoàn toàn mới và khác so với nhu cầu thị trường, nhưng tôi vẫn kiên trì".
Không thành công ở Việt Nam, ông Luận quay sang thị trường nước ngoài. Trước tiên là Hàn Quốc, không ngờ được đón nhận rất tốt vì họ đã quen với tư duy thưởng thức loại cà phê nhẹ nhàng, và lô Meet More Coffee đầu tiên xuất đi Hàn Quốc vào năm 2018.
Cà phê Meet More bán ở nước ngoài nhưng những Việt kiều sống lâu năm ở nước không nghĩ đây là sản phẩm của Việt Nam, vì cho rằng Việt Nam không thể làm được những sản phẩm tốt như vậy. Đến khi được giải thích và khẳng định là sản phẩm do người Việt làm ra từ nông sản Việt họ đã vỡ òa sung sướng. Bởi với họ, đây là những sản phẩm gắn kết với quê hương, gắn với tuổi thơ ở quê nhà, giúp họ nhớ về những trái dừa, củ khoai môn, hạt đậu xanh... Và hơn nữa, sản phẩm đã vượt lên nền xuất thô xưa nay để khẳng định tầm chế biến sâu.
"Hoặc khi làm thị trường ở Úc, cả nhóm mang sản phẩm đi tiếp thị tại các chợ và cho khách thử hàng mẫu. Tuần sau tôi đến một siêu thị cách điểm bán trước đó khá xa, có một người chạy đến chào và gọi “Chú Meet More, hôm nay gặp chú ở đây thật vui, hôm trước tôi có uống cà phê của chú ở chợ và tôi mua về cho bà xã và các con uống họ khen rất ngon”. Những câu chuyện như vậy tôi cảm thấy rất vui, và tạo động lực cho tôi tiếp tục với con đường đã chọn", Nhà sáng lập thương hiệu Meet More Coffee kể lại.
Vẫn là bài học bảo hộ thương hiệu
Khi quyết định đưa Meet More ra bán ở nước ngoài, Hàn Quốc là thị trường đầu tiên được chọn. Nhưng khi bắt đầu có thị trường tại đây thì Meet More bị lấy mất thương hiệu.
“Khi tôi nộp đơn lên Cục sở hữu trí tuệ Hàn Quốc xin bảo hộ thương hiệu thì bị bác đơn, do có người đăng ký rồi và chỉ mới đăng ký trước đó không lâu. Tôi thuê luật sư tìm hiểu và biết được nhà phân phối của tôi ở Hàn Quốc đã xin cấp quyền sở hữu trí tuệ, vì thấy thương hiệu này quá hay và bắt đầu thị trường.
Dù tôi đã chứng minh với chính quyền Hàn Quốc đây là sản phẩm tôi đang bán ở thị trường này và là công ty đang sở hữu sản phẩm này, nhưng theo luật quốc tế ai nộp đơn trước thì được cấp.
Cuối cùng tôi phải quay lại đàm phán với nhà phân phối, bằng lý, tình và cả niềm đam mê đối với Meet More, sau 8 tháng họ đồng ý rút đơn mà tôi không tốn đồng nào. Đây là một câu chuyện vừa buồn vừa vui.
Trên con đường thực hiện khát vọng doanh nhân phải vượt qua muôn ngàn thăng trầm, đối mặt với những chông gai, thách thức có thể gây ra đổ vỡ, kể cả thất bại. Nhưng cuối cùng họ vẫn tiếp tục đứng dậy đi tiếp hành trình của mình”, CEO Meet More chia sẻ.
Sau gần 4 năm chinh chiến ở thị trường nước ngoài, Meet More dần được người tiêu dùng ưa chuộng, bởi sự mới mẻ, độc đáo và phù hợp. Khi quay về thị trường trong nước, Meet More cũng đang được đón nhận.
Hiện công suất chế biến của nhà máy khoảng 150.000 tấn/ năm, không đáp ứng được nhu cầu thị trường, công ty lên kế hoạch đến năm 2023 sẽ di dời nhà máy đến cơ sở lớn hơn để tăng công suất lên 1 triệu tấn/năm.
Nguồn: https://nhipsongkinhdoanh.vn/ca-phe-nong-san-thuong-hieu-viet-da-co-mat-o-thi-truong-chau-au-post3099590.html