Hiện chưa có sản phẩm
TỔNG TIỀN: 0₫
Xem giỏ hàng Thanh toán

CEO Meet More Coffee - Nguyễn Ngọc Luận: “Không phải đợi đến lúc thành công mới làm”

Ngày: 13/10/2022 lúc 15:11PM

Mới đây, Hội Nông dân TP. HCM đã trao danh hiệu “Sản phẩm Nông nghiệp tiêu biểu TP.HCM 2021” cho cà phê Meet More, thương hiệu cà phê nông sản Việt đã có mặt tại các thị trường Úc, Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Ấn Độ. Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, Tạp chí Lao động Công đoàn đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Ngọc Luận, CEO của Meet More.

"Đối với Meet More, không cần phải đợi đến khi thành công thì chúng tôi mới quan tâm đến trách nhiệm xã hội". Ảnh: NVCC

 

Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, ông vui lòng chia sẻ với độc giả của Tạp chí quan niệm của mình về CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp)?

 

Đối với Meet More, không cần phải đợi đến khi thành công thì chúng tôi mới quan tâm đến trách nhiệm xã hội. Meet more đã tham gia vào các công tác xã hội một cách thiết thực, cụ thể như là đồng hành với nông dân trong sản xuất và trong cuộc sống. Chúng tôi dành tâm sức và thời gian của mình cho các chương trình có liên quan đến các hoạt động sản xuất của bà con nông dân. Ví dụ như chương trình khởi nghiệp cho bà con, hỗ trợ, giúp bà con ở khâu đầu ra cho một số nông sản, hỗ trợ về cách thức làm sao trồng trọt, chăm sóc cây trái cho tốt. Đồng thời chúng tôi cũng đặt mục tiêu nỗ lực trở thành người chung tay số 1 của TP. HCM trong hoạt động chia sẻ với cộng đồng.

 

Mùa dịch vừa qua, trong một năm chúng tôi đã thực hiện những chuyến đi đến các vùng, các quận huyện gửi hàng trăm tấn rau, gần 80 tấn gạo, 14 tấn cá hỗ trợ người dân khi cần. Đồng thời chúng tôi cũng gửi nhiều cà phê Meet More đến cho các chiến sĩ, bác sĩ trong mùa dịch để động viên và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe tinh thần cho lực lượng tuyến đầu. Hơn 2000 chai dầu gội nhập khẩu từ Pháp… cũng được chúng tôi sắp xếp thời gian nhân sự chia sẻ đến với cộng đồng. Chia sẻ với Tạp chí Lao động Công đoàn để thấy, trách nhiệm xã hội đã được chúng tôi tiến hành song song cùng với quá trình hoàn thiện và phát triển công ty, về mọi mặt.

 

Được biết, ông từng từ chối những đề nghị trở thành đối tác gia công của phía doanh nghiệp nước ngoài, vì sao vậy?

 

Có những nước họ thấy sản phẩm chúng ta tốt nên muốn lấy làm thương hiệu của họ. Đồng ý gia công sản phẩm đồng nghĩa với việc thương hiệu của mình vừa ra đời liền bị lấy mất. Và chúng ta chấp nhận làm thuê để nhận về một số tiền vừa phải. Nên nếu chúng ta muốn xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt, muốn đi dài hơi, thì không còn cách nào khác ngoài việc phải bảo vệ nông sản Việt bằng cách giữ vững thương hiệu Việt, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, lan toả giá trị của sản phẩm có nguồn gốc nông sản Việt, từ đó tạo ra giá trị và thu về giá tiền rất lớn, từ 20 lần có khi cao hơn 50, 60, 70 lần.

 

Tại sao hiện nay một số thương hiệu nước uống của nước ngoài, dù không phải sản phẩm có nguồn gốc từ nông sản, trái cây hữu cơ, khi phát triển thành sản phẩm thương hiệu đa quốc gia thì giá của nó tăng không biết bao nhiêu lần? Trong khi sản phẩm của chúng ta là sản phẩm nông sản, đi từ bàn tay chăm sóc của người nông dân, đi theo chuỗi thì lại phải chấp nhận cái giá thấp như là giá gia công?

 

Vậy nên, không còn cách nào ngoài cam kết với chính bản thân và xã hội, phải nâng được gia trị sản phẩm của Việt Nam chúng ta lên.

 

Khó khăn lớn nhất của Meet More trong hành trình mang sản phẩm nông nghiệp Việt ra thế giới là gì thưa ông?

 

Thời gian đầu, khi tung sản phẩm ra Meet More gặp nhiều khó khăn vì thị trường Việt Nam không chấp nhận. Do người Việt quen với vị và phong cách uống cà phê truyền thống. Họ nói đây không phải cà phê. Và tôi hiểu để làm truyền thông thay đổi được tư duy tiêu dùng cũng như quan niệm của khách hàng cần phải có một nguồn kinh phí rất lớn. Chính vì vậy, tôi chuyển hướng xuất khẩu trước. Xuất khẩu ra thế giới vì thế giới người ta đã biết đến dòng cà phê này, nó hợp với họ. Và Hàn Quốc là thị trường quốc tế đầu tiên tôi chọn. Không ngờ được rằng sau khi xuất đi các nước thì họ chấp nhận ngay.

 

Vì sao ông chọn cái khó này?

 

Khi còn là chủ tịch của Câu lạc bộ Doanh nghiệp Sài Gòn Asean tôi đã hỗ trợ cho doanh nghiệp của Hàn Quốc và Nhật Bản đầu tư vào TP. HCM và Việt Nam rất nhiều. Và khi dẫn họ đi tìm nguyên liệu nhập khẩu về nước để chế biến sâu tôi thấy nguồn nguyên liệu như thanh long hay mãng cầu, dưa hấu của chúng ta phong phú, giá trị cao, nhưng lại có giá bán thấp và bị đổ bỏ đi rất nhiều sau khi tốn công, tiền chăm sóc. Nhìn sang sản phẩm nước gạo Hàn Quốc được xuất khẩu rất nhiều và trên hết là họ làm ra được thứ nước uống hằng ngày cho người dân họ.

 

Thế thì tại sao chúng ta có nguồn nguyên liệu dồi dào tốt như vậy lại không làm, không biến nó trở thành một thương hiệu hay một thứ nước uống hàng ngày cho 90 triệu dân của chúng ta uống? Chính vì điều đó mà tôi quyết tâm nghiên cứu sâu và chế biến sâu. Và cũng từ đó tôi nhận thấy một điều khác, cà phê cũng là một loại nông sản nhưng chúng ta chưa tạo ra giá trị tương xứng với nó mà chỉ mới xuất thô. Và thế là Cà phê hương vị trái cây, cà phê Meet More ra đời.

 

Một trong những sản phẩm cà phê Meet More. Ảnh: NVCC

 

Xuất khẩu chính ngạch nông sản Việt chưa bao giờ là con đường dễ, đặc biệt đối với điều kiện trồng trọt ở trong nước và yêu cầu tiêu chí sản phẩm của các thị trường khó tính trên thế giới. Ông có thể chia sẻ những kinh nghiệm để có thể đưa nông sản Việt lên các quầy kệ, siêu thị ở các thị trường như châu Âu, Nhật, Mỹ?

 

Đối với chia sẻ thì có rất nhiều. Mỗi doanh nghiệp sẽ có những đặc thù sản phẩm riêng. Mấu chốt là khi doanh nghiệp quyết định chinh phục thị trường quốc tế, mạnh dạn bước ra khỏi thị trường Việt Nam thì chúng ta phải chuẩn bị ngay từ trong nội bộ, từ quy trình sản xuất, từ những sản phẩm. Phải đầu tư rất bài bản, từ con người, kỹ thuật, máy móc quy trình. Meet More có bộ phận R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm), từ nghiên cứu cho ra được những tiêu chuẩn của sản phẩm, bộ phận QA, bộ phận quản lý chất lượng theo dõi quản lý quy chuẩn của các nước… Tóm lại tất cả phải bài bản. Chứ làm kiểu ăn xổi ở thì, làm hôm nay lo bữa mai thì không được.

 

Hiện nay tại sao ngành nông nghiệp, đặc biệt là xuất khẩu ngành nông nghiệp của chúng ta vẫn chậm hơn các nước Thái Lan, Malaysia? Vì họ có tư duy thay đổi trong quản trị và trong quá trình sản xuất, họ chuẩn hoá quốc tế quy trình hết rồi. Người trồng trọt và kinh doanh nông sản nước họ có thể phục vụ người dân trong nước những sản phẩm tốt, sau đó dư họ mới xuất khẩu. Nhưng chúng ta thì đang đi ngược lại. Trong nước chúng ta làm đối phó với nhau, lấy tiêu chí giá ra để làm, để cạnh tranh với nhau. Vì thực sự đầu tư bài bản thì giá thành sản phẩm nông sản Việt phải rất cao.

 

Điều kiện quan trọng khác nữa là trong quá trình sản xuất, quá trình xuất khẩu sản phẩm vào thị trường nào thì chúng ta phải nghiên cứu các văn bản phù hợp với các tiêu chí của nước họ, làm từ quy trình sản phẩm cho đến bao bì cũng phải phù hợp nếu muốn đưa sản phẩm vào thị trường của họ. Chưa kể khi chúng ta đạt các tiêu chuẩn về chất lượng rồi nhưng còn các tiêu chí riêng của một thị trường quy định như Mỹ thì có FDA, châu Âu có GAP. Với thế giới, thị trường châu Âu hay thị trường Asian cũng vậy, hiện nay theo các hiệp định đã ký kết giữa Việt Nam và các nước thì sản phẩm cà phê của chúng ta chủ yếu đi chính ngạch, lên kệ và lên tất cả các trung tâm mua sắm lớn.

 

Theo ông, mong muốn của Meet More nói riêng, các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt nói chung trong việc cải thiện môi trường sản xuất và xuất khẩu từ trong nước là gì?

 

Cần nhất hiện nay là chúng ta phải bám sát thực tế thị trường để có thể thay đổi chính sách phù hợp nhằm hỗ trợ người sản xuất và kinh doanh kịp thời.

 

Cụ thể là thay đổi những gì ạ?

 

Cụ thể, đối với cơ quan nhà nước ở nước ngoài cần có những chỉ tiêu xúc tiến cho các bộ, ngành. Để có trách nhiệm cùng với doanh nghiệp trong nước mỗi năm xuất khẩu được bao nhiêu sản phẩm, hàng hoá đến nước sở tại. Hiện nay chúng ta chưa làm điều đó và chúng ta mới chỉ hô hào thôi. Đối với nhiệm kỳ của các Tham tán thương mại của Bộ Ngoại giao, chúng ta cũng mới chỉ dừng lại ở góc độ giới thiệu chứ chưa sâu sát để xúc tiến đưa bằng được sản phẩm của chúng ta đến nước sở tại.

 

Bên cạnh đó phải tiến hành truyền thông về sản phẩm, về thương hiệu Việt tại nước sở tại, tới bà con kiều bào, cho những người Việt Nam của chúng ta đang sống ở bên đấy biết đến. Rằng đây là sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam, và sẽ rất tốt đẹp nếu mọi người ủng hộ. Thậm chí các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư nhận được chính sách hỗ trợ FDI tốt của Việt Nam nhưng chúng ta không yêu cầu họ phải có trách nhiệm xuất khẩu hàng của Việt Nam đi ra nước họ. Trong khi các nước khác đã làm điều này. Ví dụ doanh nghiệp Việt Nam mình muốn đầu tư sang nước khác thì họ ràng buộc mình là phải đưa được các sản phẩm của họ ra ngoài.

 

Nếu có thể thực hiện truyền thông lan toả về sản phẩm thương hiệu nông sản Việt cùng lúc trên nhiều mặt trận như vậy thì con đường xuất khẩu thương hiệu của chúng ta sẽ sớm đạt được mục tiêu, kỳ vọng.

 

Thế nào là một nhân viên tốt theo ông?

 

Muốn có nhân viên tốt thì phải có lãnh đạo tốt. Chứ không phải cứ là nhân viên đã tốt ngay được. Môi trường làm việc chính là nơi thể hiện văn hoá của người lãnh đạo, họ có chính sách tốt từ những định hướng phù hợp cho sự phát triển chung của nhân viên thì doanh nghiệp sẽ có nhiều nhân viên phù hợp, cũng là nhân viên tốt.

 

Điều kiện để thành công là gì thưa ông?

 

Phải có đam mê và phải tâm huyết với sản phẩm, với công việc.

 

Xin cảm ơn ông!

Meet More
BÌNH LUẬN