Sản phẩm OCOP và tiềm năng OCOP TP.HCM chinh phục người tiêu dùng, mở rộng kênh phân phối
Ngày: 11/10/2022 lúc 16:02PM
Nhiều sản phẩm tiềm năng của Chương trình OCOP TP.HCM đang thu hút người tiêu dùng. Đặc điểm chung của các sản phẩm này là xuất phát từ nguồn nguyên liệu địa phương, đặc sản địa phương, được chuẩn hóa theo các tiêu chuẩn chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và thông qua chế biến sâu, gia tăng giá trị phục vụ người tiêu dùng.
Cà phê nông sản Meet More của Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu (huyện Hóc Môn) là sản phẩm tiềm năng của Chương trình OCOP TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc
Sản phẩm OCOP TP.HCM mở rộng kênh phân phối
Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc Công ty TNHH Liên kết Thương mại Toàn cầu (huyện Hóc Môn), cho biết tận dụng nguồn nông sản như khoai môn, nhàu, đậu xanh, công ty đã phối trộn với cà phê tạo ra cà phê nông sản, phù hợp nhu cầu của nhiều khách hàng muốn uống cà phê "nhẹ".
Sản phẩm cà phê nông sản mang thương hiệu Meet More của công ty ông Luận đang chờ đánh giá, xếp hạng OCOP của TP.HCM. Riêng sản phẩm cà phê vị khoai môn vừa được UBND TP.HCM công nhận là sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu TP.HCM. Sản phẩm đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới và từ các tiền đề mới này, ông Luận kỳ vọng cà phê nông sản sẽ tiếp cận được nhiều người dùng trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao giá trị nông sản Việt.
Nhiều sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, chủ lực của ngành nông nghiệp TP.HCM như hoa, cây kiểng, cá cảnh… cũng được các chủ thể sản xuất kỳ vọng sẽ sớm được gắn sao OCOP.
TÌM HIỂU CHƯƠNG TRÌNH OCOP
Nguồn gốc của Chương trình OCOP bắt nguồn từ Nhật Bản nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy giá trị nội sinh, liên kết sản xuất và gia tăng giá trị. Là quốc gia công nghiệp nhưng các làng nghề tại Nhật Bản vẫn duy trì tốt, góp phần tăng thu nhập cho người dân, rút ngắn khoảng cách thu nhập với khu vực thành thị. Mô hình này sau đó được nhiều nước trên thế giới áp dụng.
Tại Việt Nam, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 490 phê duyệt Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020. Đầu tháng 8/2022, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh ký Quyết định số 919 phê duyệt Chương trình OCOP quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Tại TP.HCM, Chương trình OCOP được triển khai từ năm 2019. Mới đây, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án Chương trình OCOP trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025. Chương trình tìm kiếm sản phẩm OCOP trên toàn thành phố, gồm 5 huyện nông thôn mới, 16 quận và TP.Thủ Đức.
Mục tiêu của Chương trình OCOP tại TP.HCM là phát triển sản phẩm OCOP góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
Chương trình OCOP TP.HCM cũng nhằm xây dựng, phát triển nông thôn theo hướng bền vững, bảo tồn các giá trị văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.